Câu chuyện về “một” người cha.

Người cha.

image

Thầy giáo giỏi chưa chắc đã phải là thầy giáo tốt

Mà thầy giáo tốt thì cũng không có nghĩa sẽ giỏi.

Thầy giáo giỏi có thể khiến cho người ta ngưỡng mộ, mà chưa chắc đã làm cho người ta nể phục.

Thầy giáo tốt có thể không làm cho người ta ngưỡng mộ, nhưng sẽ làm cho người khác hoàn toàn nể phục.

Tôi có một người thầy giáo tốt như thế. Thầy dạy không hay, còn có chút nhàm chán, nhưng tâm huyết và tình yêu dạy học, tình yêu với môn Lý của thầy lại có thể làm cho người ta rung động.

Thầy là một thầy giáo lớn tuổi có tâm. Tôi không nói về việc thầy dạy hay có tâm thế nào, vì căn bản dù có cố tôi cũng khó có thể hiểu được hoàn toàn và yêu thích được bài giảng của thầy – đây là một vấn đề hoàn toàn khác.

Tôi sẽ nói về một phút giây mà giọng nói vốn đều đều nhàm chán của thầy bỗng dưng mang đựng cảm xúc đến mức có thể khiến tôi ngay sau đó và mỗi lúc nhớ lại đều trực trào nước mắt.

Tôi không khóc vì thầy là một thầy giáo tốt. Tôi khóc vì thầy là một người cha.

_____

Hôm đó là một ngày sau Tết, và tiết Vật Lý mở cửa đầu năm làm tôi uể oải cả người.

Thầy bước vào lớp, vẫn như thầy đã và sẽ làm cả chục lần, và tôi biết thầy vẫn sẽ như thế, nên chúng tôi chẳng mảy may để ý gì đến sự khác thường trong khuôn mặt vẫn luôn mang nét cười hiền và một chút tinh nghịch của thầy (Thầy vẫn có điệu cười hi hi rất nghịch ngợm ngay cả khi đầu và tuổi của thầy đều đã ngả đến hơn nửa màu).

Là một bài giảng với chất giọng có chút buồn ngủ như thầy đã tự nhận xét, về máy phát điện. Như thường xuyên, thầy rất hứng thú khi nói về những công cụ điện hữu ích thường thấy trong gia đình, so sánh về cách giáo dục đầy cổ hủ của Việt Nam với những đất nước mà thầy đã đi qua, hoặc thầy đã nghe kể – hầu hết bọn học sinh chúng tôi đều rất hứng thú với “phần” ấy. Và tôi cũng vậy.

Lớp học không hẳn im lặng, vì thầy hiền mà, chúng tôi đôi khi thoải mái quá trớn. Thầy nói về những điều thật thú vị ở Úc, về việc du học của Việt Nam, và thầy nói,

Mùng 2 vừa rồi thầy cũng vừa tiễn con gái đi du học ở Úc.”

Chắc chắn không phải do tôi tưởng tượng, giọng thầy lúc ấy bỗng run lên, cảm giác như thầy sắp bật khóc đến nơi. Bọn tôi đều biết thầy là một người rất thương con gái, tôi cũng biết nỗi niềm của người cha ra sao khi phải tiễn con gái đến một nơi thật xa lạ và chẳng có ai là thân thích, nhưng giây phút mà chất giọng đều đều buồn ngủ của người thầy ấy vang lên khi nói về con gái, cảm giác trong tôi như một làn sóng cảm xúc mãnh liệt ập vào người, nhấn chìm tôi đến nghẹt thở trong tình yêu cha con và nỗi nhớ, nỗi thương con gái ấy. 

Và trong vô thức, tôi nhớ đến ba mình, nhớ đến đôi mắt buồn và gương mặt hiền lành của ba, người mà lũ bạn tôi đều gật đầu nhất chí là rất giống thầy, nhớ đến cái tình thương đầy chiều chuộng mà ba dành cho tôi – tình cảm mà ông không biết phải làm cách nào để có thể diễn tả, nhớ đến nỗi đau đớn của cuộc đời ba mà ba đã chôn giấu trong lòng suốt bao lâu nay.

Cúi gằm mặt xuống nhằm giấu đi cơn xúc động đến đỏ mắt của mình, giấu đi ai hàng nước mắt đã sớm lăn dài của mình, tôi nghe giọng thầy đang cố gắng đóng cửa lại cả biển cảm xúc bằng cách cố gắng lao đầu vào bài giảng, nghe giọng thầy đang áp chế cơn run và trở lại đều đều nhàn nhạt…

Trong một phút giây nào đấy, tôi nhớ đến một tôi be bé đang lớn lên, một tôi của tuổi dậy thì bắt đầu xa lánh ba mình, một tôi của sự hiểu lầm trách móc và khó chịu với ba, còn nhớ đến ba đã thương yêu chiều chuộng tôi thế nào hồi bé, nhớ đến ba tôi ôm con gái bé bỏng thể hiện tình yêu của ông với chúng tôi, nhớ đến ba của một chiều đi bơi về đã nói, “Nếu có sóng thần và có một cái phao duy nhất, ba mẹ sẽ nhường cái phao ấy cho con”.

_______

Tình yêu của một người cha là như vậy đấy, luôn mãnh liệt mà lại thật không tự nhiên và ngốc nghếch khi đứng trước những đứa con cái đang dần trưởng thành. Họ yêu con mình mà lại không biết làm sao để cho chúng hiểu, luôn nghĩ cách bảo bọc và cung cấp cho con mình một điểm tựa vững chắc nhất, luôn chuẩn bị cho con của mình những gì tốt đẹp nhất, nhưng chỉ đơn giản là những ông bố ấy lại chẳng thể diễn đạt ra theo cái cách thật tình cảm và dịu dàng như của mẹ, sự thẳng thắn và tình cảm luống cuống ấy làm lời nhắc nhở của họ khiến con cái nghe chẳng thể lọt tai.

Nhưng dù vậy, bất kì đứa con nào cũng nên biết, nên hiểu, rằng họ là những ông bố kém diễn đạt, rằng đằng sau những câu nói cứng nhắc và khó nghe ấy, đằng sau những khuôn mặt đã sớm phai nhòa màu tháng năm ấy, là một câu nói mà họ luôn ngại ngùng không chịu nói, “Cha thương con.”

Hà Nội, 14/03/2015 viết lại cảm xúc của 02/03/2015